Đối với người lái môtô hay ngay cả xe máy phổ thông thì vào cua là một trong những kỹ năng khó nhất cần luyện tập bởi phụ thuộc nhiều vào điều kiện thực tế.
Không một hoàn cảnh nào trên đường lại dẫn tới khó khăn cho người lái môtô như khi bị giảm bán kính góc cua khi đang vào cua "ngọt". Tính toán đổ người giảm tốc để vào cua nhưng góc cua bị che khuất, đến đỉnh cua lại sát vào làn đường cho xe ngược chiều hay vách núi có thể dẫn tới tai nạn, nhưng thực tế địa hình lại không phải là tất cả nguyên nhân dẫn tới những sự cố đáng tiếc.
|
Vào cua bình thường với góc cua rộng (vạch đỏ).
|
Người cầm lái cần nhớ, thay vì giật mình khi vào đỉnh cua bị khuất cần bình tĩnh để thực hiện các biện pháp đối phó. Thông thường việc vào góc cua bán kính nhỏ thường đi liền với góc nghiêng xe chưa thực sự lớn. Nếu cảm thấy chưa có bộ phận nào của xe bị mài xuống đường, hãy tiếp tục đổ thêm người để ghìm xe không mở rộng góc cua, việc này sẽ giúp xe đi vào quỹ đạo của đường cua an toàn.
Một góc cua lý tưởng là góc cua mà người lái có thể quan sát từ điểm vào cua tới điểm thoát cua, sau đó mở rộng góc vào cua, chọn đỉnh cua, tốc độ thích hợp để thoát cua an toàn. Các động tác vào cua an toàn gồm nghiêng người, phanh và thòng ga phù hợp để sẵn sàng tăng tốc trở lại khi ra khỏi khúc cua.
Trong trường hợp bán kính góc cua hẹp, tầm nhìn sang bên kia góc cua bị che khuất, tay lái môtô cần bình tĩnh cố gắng hướng tầm mắt ra xa nhất có thể, bao quát toàn bộ góc cua để phát hiện sớm các chướng ngại vật như xe ngược chiều, vực sâu hay vách núi. Sau đó giảm từ từ tốc độ, áp dụng tiếp tục các kỹ thuật vào cua như ở trên.
Với những góc cua bo tròn liên tục thì lý thuyết xác định điểm vào cua, đỉnh cua, điểm thoát cua áp dụng cho một góc cua trở thành ngớ ngẩn vì sau khi ra khỏi khúc cua thứ nhất sẽ không có cơ hội vào khúc cua thứ hai mượt mà. Vì thế, với những trường hợp này, chiến thuật tốt nhất cho một tay lái ở đường công cộng là sẵn sàng thiết lập tốc độ cho khúc cua tiếp theo, mở rộng khúc cua đầu, bỏ qua đỉnh cua để tạo điều kiện thuận lợi cho khúc cua sau mà không bị vượt sang làn ngược chiều.
|
Vào cua khi bán kính hẹp, bo tròn liên tục (vạch xanh).
|
Những tay lái mới thường có xu hướng giảm tốc độ xuống khá thấp để vào cua, nhưng với những xế cứng thường thích dùng phương pháp rà phanh (trail braking) để làm chủ tốc độ và bán kính cua. Thành thạo phản ứng của hệ thống phanh và tay ga có thể cho những cú vào cua mượt mà ngay cả góc hẹp, nhưng nếu không lại rất dễ dẫn tới tai nạn vì xe mất lực bám, quán tính khi phanh bất ngờ phanh trước hoặc sau.
Để chắc chắn có thể phản ứng kịp thời, các chuyên gia về môtô ở các trường dạy kỹ năng lái xe tại Mỹ hay châu Âu cho biết nên "dự trữ" 20% kỹ năng để sử dụng khi gặp trường hợp bất ngờ. Ví dụ nếu có thể vào cua ở tốc độ 60 km/h thì cũng chỉ nên giữ ga ở 45-50 km/h, độ nghiêng xe vừa phải... để nếu góc cua hẹp có thể nghiêng tiếp, ép xe đi vào đường cua đúng.
Trong trường hợp đã ở tốc độ tối đa khó lòng ép xe vào đúng đường cua, có thể nhẹ nhàng rà phanh sau và duy trì một mức ga vừa phải, nếu buộc phải giảm tốc nhanh thì thòng ga về mức tối thiểu chứ không đột ngột ngắt ga. Ngoài ra còn có cách để đối phó với tình huống giảm bán kính góc cua là dựng xe rồi vào cua lại để tạo ra nhiều đỉnh cua, kỹ năng này nên được luyện tập và áp dụng khi đã thành thạo và quen xe.
Minh Hy