Một loạt xe sang ở Phú Mỹ Hưng bị tạm giữ vì nghi ngờ giả giấy tờ, lách thuế khiến nhiều người ngoài cuộc khó hiểu, bởi lâu nay họ vẫn nghĩ một khi đại gia đã bỏ tiền mua siêu xe thì phải là xe mới, nhập chính hãng đàng hoàng.
|
Chiếc Bentley Mulsanne tại Việt Nam.
|
Nhưng thực tế, trong tất cả Bentley, Rolls-Royce, Ferrari hay Lamborghini đang có mặt tại Việt Nam, chỉ duy nhất chiếc Phantom biển 77L-7777 là hàng chính hãng.
Giữa chiếc xe 50.000 USD và chiếc 100.000 USD, lựa chọn không quá khó khăn với các đại gia. Nhưng nếu là 500.000 USD và một triệu đôla, chuyện trở nên khác. Trừ những người chơi thực thụ theo kiểu sưu tập, hoặc không mua được xe mới, đa phần khách hàng lựa chọn cách tối ưu về giá.
"Đại gia hay không đại gia thì vẫn là tiền. Một chiếc xe chính hãng đắt gấp đôi, gấp ba, không có gì khác biệt, thậm chí còn thiếu option thì ai dại gì lựa chọn? Trừ khi ai đó quá nhiều tiền", một đại gia nhập xe ở Hà Nội bình luận. Đó là lý do cơ bản cho việc trong khoảng 70 chiếc siêu sang Rolls-Royce ở Việt Nam, mới chỉ duy nhất Phantom mang biển 77L-7777 được bà Dương Thị Bạch Diệp đặt mua chính hãng từ Rolls-Royce Anh quốc.
Cách phổ biến nhất để lách thuế là biến xe mới thành xe cũ. Một trong những ông trùm kinh doanh xe sang ở Việt Nam tiết lộ từng phải nhờ người chạy long dong Maybach 62 suốt 6 tháng bên Mỹ, tới khi trên 10.000 km để đủ "tuổi" đưa về theo dạng xe cũ. Thuế nhập khẩu ôtô cũ khi đó vẫn tính theo giá trị tuyệt đối nên thay vì giá 1,4 triệu USD theo đường xe mới, chiếc siêu sang này hạ chỉ còn khoảng 800.000 USD, giảm tới 600.000 USD.
Cũng như vậy với siêu xe Ferrari 458 Italia. Lô xe đầu tiên nhập về xuất xứ từ châu Âu, thay vì Mỹ như thông lệ. Nguyên nhân đơn giản là Ferrari ra mắt 458 Italia sớm hơn Mỹ 8 tháng nên khi đó chỉ xe ở châu Âu mới đủ "tuổi" 6 tháng dành cho xe cũ.
Xe cũ vừa có giá hợp lý, vừa ra "biển trắng" (biển số đóng đủ các loại thuế) nên được giới xe sang ưa chuộng. Nhưng kể từ khi thuế nhập khẩu tính theo cả dạng tuyệt đối và tỷ lệ % như xe mới thì xe cũ không còn cửa làm ăn.
Với những khách hàng không muốn đợi tới 6 tháng, giới kinh doanh có cách làm biển nước ngoài "NN" hay còn được gọi lóng là "biển nhà nghèo". Biển NN có thời hạn thường được hưởng chính sách không phải nộp thuế, là hàng tạm nhập tái xuất nên giá xe chỉ bằng một nửa. Chẳng hạn giá một chiếc Porsche Panamera chính hãng tầm 4,5 tỷ đồng nhưng ra biển NN giảm còn 2 tỷ.
Cách này đánh vào tâm lý chuộng đồ mới nên có người nhờ đặt mua Acura ZDX khi nó còn chưa tới Mỹ. Tuy nhiên biển dạng này thường có thời hạn (2,5 năm) theo nhiệm kỳ công tác của người đứng tên. Khi bán lại cho cá nhân Việt Nam phải nộp đủ các loại thuế. Để lách luật, giới chơi xe làm hình thức ủy quyền nhưng kể từ khi các cơ quan chức năng siết chặt quản lý, NN không còn là mỏ vàng nữa.
Chị Tú Quỳnh, ngụ tại quận 10 TP HCM rao bán chiếc Mercedes S550 đời mới mang biển số ngoại giao NN với mức giá khoảng 1,5 tỷ đồng hơn một năm nay nhưng vẫn chưa có người mua. "Nhiều người tới coi, nhưng họ thấy biển NN nên đều từ chối".
Chiếc xe chị mua lại qua "cò xe" cuối 2010 khi mới sử dụng được khoảng 1 năm. "Lúc mua, người bán cũng chuyển cho tôi giấy đăng ký xe, giấy ủy quyền của một cơ quan ngoại giao, và đảm bảo yên tâm sử dụng. Tuy nhiên sau khi có thông tin về việc kiểm tra xe biển ngoại giao, tôi đã liên lạc lại với anh này và được biết chủ xe đã về nước. Có người nhận chuyển sang tên chính chủ và nhưng phải bỏ thêm 1,5 tỷ đồng tiền thuế", chị Quỳnh kể.
Khi cả xe cũ, xe biển NN hoặc NG (ngoại giao) đều bị "đóng" thì giới kinh doanh nghĩ ra chiêu mới: xe Việt kiều hồi hương. Đi theo dạng này chỉ phải đóng thuế tiêu thụ đặc biệt, miễn thuế nhập khẩu và GTGT. Vì thế giá cũng giảm đi gần một nửa. Nhưng không như biển NN, suất hồi hương không nhiều nên phải bỏ ra 40.000-50.000 USD cho mỗi xe. Để đạt lợi nhuận tốt, giới kinh doanh thường chọn xe đắt tiền, tầm siêu sang như Bentley, Rolls-Royce hay siêu xe Ferrari, Lamborghini.
Vì quá "ngon" nên nhà nhà làm "Việt kiều hồi hương", dẫn tới tình trạng đăng ký nhiều xe cho một người, quay vòng suất, trao tay quá nhanh khiến các cơ quan chức năng ra tay siết lại, chặt nốt phương cách cuối cùng của hình thức kinh doanh không chính hãng.
Tất cả những con đường lách thuế gần như không còn tác dụng là lúc cơ hội dành cho những nhà phân phối chính hãng. Audi, BMW, Mercedes hay Porsche đang hưởng lợi với mức tăng trưởng cao tới vài chục % trong 2013. Thương hiệu siêu sang như Rolls-Royce cũng không bỏ lỡ bằng việc chỉ định đại lý đầu tiên tại Hà Nội hồi giữa năm 2013. Bentley, Lamborghini đang trong giai đoạn xin thủ tục, Jaguar cũng đã tìm thấy đối tác.
Cuộc chơi xe giờ đây chính tắc, minh bạch nhưng dĩ nhiên đắt đỏ hơn nhiều.
Đức Quang